Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Chương 31 Tôi không đi bầu

 Chương 31
Tôi không đi bầu
Tôi không đi bầu vì thực sự mọi sự đã được sắp xếp của một chế độ toàn trị cả rồi, lá phiếu của các công dân chỉ là hình thức của thứ trò chơi dân chủ giả hiệu.
Trước khi diễn ra Đại Hội Đảng CSVN XI một năm, dù không phải là tiên tri nhưng tôi đã có bài viết Ông Nguyễn Phú Trọng sẽ vào chức Tổng Bí Thư vì trên ‘tiêu chuẩn’ tình hình chính trị VN hiện nay - ai thân Tàu cộng nhất sẽ được Đại Hán chọn và điều đó đã không sai.[1] Nay mọi người dân bình thường cũng biết rõ Ông Nguyễn Minh Triết về hưu và ai sẽ nắm giữ chức vụ gì thảy thảy đều biết rõ, như vậy một người dân tôn trọng sự thật tôi không thể tuân theo những gì như một vở kịch hệ lụy khôn lường cho tương lai dân tộc.
Từ khi Cộng sản thôn tính miền Nam Tự Do, những năm đầu sau 1975, là một giáo viên sau đó bị vào tù,[2] tôi đã chứng kiến với những gì xảy ra cho đến 20 mươi năm sau khi tôi rời khỏi các trại tập trung, những cuộc bầu cử mang tính trá hình vẫn vậy dưới sự thống trị của tập đoàn CS.
Các công dân không có quyền tự do ứng cử, tất cả dưới sự chỉ đạo của Đảng CS qua cái gọi Mặt Trận Tổ Quốc giới thiệu và sắp xếp người trúng cử qua chỉ đạo của các Bí thư CS, các Đảng ủy.
Và để phát biểu một cách công bình, chế độ miền Nam Tự Do trước đây đã có những cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý, cho dù chưa phải là hoàn toàn dân chủ nhưng vẫn có thể gọi là Dân chủ hạn chế vì thực chất đó là những cuộc bầu chọn được xây dựng trên nền tảng thể chế tôn trọng lá phiếu của các công dân thật sự. Người dân được tự do quyết định ứng cử và bầu cử hay không đi bầu.
Tất nhiên ai có tiền nhiều sẽ vận dụng được nhiều phương tiện quảng bá hơn cho dù có thể đó là những trường hợp mỵ dân thật sự của tầng lớp phú hào theo quan niệm của Aristote, nhưng cốt lõi bản chất của hệ thống lãnh đạo quốc gia đó là tiến đến nền dân chủ phổ quát. Trái lại với chế độ toàn trị CS là bằng mọi phương tiện phải nắm quyền để bảo vệ quyền lợi của một tầng lớp gọi là vô sản, ngày nay trở thành thứ 'Tư bản đỏ'. Trong mục tiêu triệt hạ mọi tầng lớp không cùng hùa theo phe với tập đoàn thống trị.
Trong khi đó yếu tính của chế độ tự do là mang tính phổ thông đến phổ quát nhằm phục vụ cho con người vì đã là con người thì đều được hưởng những quyền cơ bản như nhau, nó nhằm chữa trị và cứu vớt con người, hà tất không triệt tiêu những ai không cùng đồng đảng để bè phái của tôi tồn tại!
Trên phạm vi cá nhân nhưng cũng là nét chung của bất cứ chế độ độc tài đều không tôn trọng các quyền tự do cá nhân, luôn xâm phạm những quyền cơ bản của công dân, cụ thể như các hộp thư email yahoo của tôi bị Công an Việt Nam tiếm đoạt. Bị thâm nhập và không thể truy cập cho dù khi làm việc họ luôn khẳng định ‘Không ai xâm phạm thư tín cá nhân…’ cũng như câu ‘để chúng tôi bảo bộ phận chuyên môn trả lại sự bình thường thư tín qua email của anh…’[3] Các buổi làm việc với Công an kéo dài nhiều ngày làm cản trở công việc của công dân theo kiểu ‘Trường kỳ mai phục’, rồi dùng đủ trò để trấn áp hù dọa áp lực đến gia đình, người thân, vợ con…luôn tạo nên sự bất an trong dân để cai trị!
Nhất là sau những lần làm việc bằng mọi cách buộc người dân phải ký cam kết, riêng tôi luôn xác định một cách rõ ràng ‘Những gì tôi viết là sự thật, tôi không có tội gì hết’, cho dù ký vào văn bản gì tôi cũng ghi rõ câu đó rồi mới ký vì tôi biết rõ ‘CS rất giỏi tài ăn gian mà nói chung trong chính trị vẫn thường ngả theo con đường bá đạo’.
Người dân trong áp lực sợ hãi nên tôi không đi bầu! Bao giờ người dân được trả lại thẩm quyền, một xã hội tôn trọng các quyền cơ bản của con người cho dù chống gậy tôi cũng đến phòng phiếu!
Các loa tuyên truyền đang rỉ rả ‘ngày bầu cử là ngày hội của nhân dân…’ Đúng vậy, người dân Việt Nam trong và ngoài nước ngày nay đều nhận thức thế giới này là một mái nhà chung, qua công nghệ thông tin con người cảm thấy gần gũi nhau hơn, ai cũng nhận ra những trò bịp bợm của các chế độ độc tài nhất là với vài ba nước Cộng sản lạc loài còn sót lại trên hành tinh này. Niềm mong ước của người Việt nói riêng và kỳ vọng chung của nhân loại: con người được tôn trọng qua lá phiếu của mình để thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân với Cộng Đồng. Bao giờ được như vậy, đó chính là ngày hội của nhân dân!
-Hiện nay tại Việt Nam người dân không được hưởng những quyền dân chủ nào hết! –Đó là sự thật!
- Cái thảm hại của dân tộc Việt Nam hiện nay là cái gì người ta có, tôi cũng có, nhưng thật sự cái có là không có gì hết!
Cụ thể, từ 1946, Ông Hồ Chí Minh chỉ đạo soạn thảo một "Hiến Pháp Dân chủ" và bản Tuyên ngôn độc lập của Ông sao chép từ Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp 1791. Nhưng hơn nửa thế kỷ trôi qua nếu đó thật sự từ tấm lòng yêu nước cùng quyết tâm của lớp hậu duệ học trò Ông, có lẽ dân tộc Việt Nam ngày nay đã tiến bộ rất xa về mặt nhân văn, song thực tế thước đo về minh bạch công khai như nền tảng của Dân Chủ, chúng ta đã thấy rõ Tổ chức minh bạch thế giới đã nói gì về Công an Việt Nam…là tổ chức hối lộ tham nhũng hàng đầu sau đó là bộ phận Giáo Dục!
-Hãy minh bạch công khai! Sau đó không chỉ một người nhưng nhiều người đến toàn dân sẽ hân hoan khi mình đi chọn lựa những người phẩm chất thanh sạch để lãnh đạo quốc gia!
Trong "Việt Nam yêu cầu ca" thời Pháp thuộc có câu : "Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền". [4] Nhưng ‘thần linh pháp quyền’ cũng dưới chế độ do Ông Nguyễn Ái Quốc dựng lên chỉ là công cụ cho các nghị quyết của Đảng Cộng sản Quốc tế!
Ngày nay nhìn lại quả là một sự quá xa lạ với dân tộc tộc này cho dù cái ‘tinh thần pháp luật’ ngày càng được nhân rộng trong thế giới văn minh. Thế nhưng nó trở thành lạc điệu bởi vì các ca sĩ ở đây hiểu là những nhà lãnh đạo quốc gia chỉ hát nhép! Do đó một nền nghệ thuật hoặc ở đây với cả nền văn hóa của dân tộc rơi vào lạc hậu đến lạc điệu!
“Thà chết tự do hơn sống nô lệ” ! [5]
Quả đúng vậy, hôm nay chúng ta thà chết chứ không làm nô lệ cho tập đoàn thống trị với cả ‘một nồi sâu’[6] vì: MẤT PHƯƠNG HƯỚNG, KHÔNG CÓ ĐƯỜNG LỐI! Tôi không đi bầu vì không muốn trở thành trò hề cho những kẻ quờ quạng dẫn đường!
Không có mô hình dân chủ nào là tuyệt đối cũng không có cuộc bầu cử nào toàn hảo nhưng bước đầu tiên để đi đến sự viên mãn chung bước đầu thật nền tảng phải thực hiện, đó là tính chất công khai và trung thực. Không có sự giám sát của các Cơ Quan Nhân Quyền LHQ, các Cơ quan truyền thông trong ngoài nước, chính yếu vẫn là sự quyết tâm một cách khôn ngoan của các tổ chức xã hội công dân và trên hết vẫn là sự minh triết nơi các nhà lãnh đạo, bằng không mọi sự xem như chỉ là công việc xây nhà dân chủ trên cát!
Nhân dân sẽ là người quyết định sự nghiệp của dân tộc như Nguyễn Trãi nói “chèo thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, đất nước có lúc thịnh lúc suy, hào kiệt thời nào cũng có. Tôi không đi bầu cho đến bao giờ đất nước này vứt hẳn cái thứ chủ nghĩa cộng sản rác rưởi làm tổn hại băng hoại Dân tộc trong đó có Giáo hội tôi và các Giáo hội cùng Hội Thánh anh em tôi, một thứ học thuyết lỗi thời mà nhân loại đã vứt vào sọt rác với sự phỉ nhổ của chính nước Nga, Đông Âu đã sản sinh ra nó!
Điều này tôi đã nói rõ với phái đoàn Công an làm việc nhiều ngày với tôi vừa qua ‘Các Anh hãy về trình lại với Trung ương, các Anh không có cây gậy dẫn đường, hãy vứt ngay cái thứ chủ nghĩa Mác Lê lạc hậu lỗi thời đó đi, hãy trở về với xây dựng Đường Lối trên nền tảng dân tộc!’.
Hãy đến với Đại Học Nhân Quyền Việt Nam, diễn đàn của những người Việt Nam dấn thân cho quê hương dân tộc trên Tinh Thần như hình ảnh Hòa Thượng Huyền Quang qua mấy câu thơ lưu truyền:
“Cuộc đời tôi
Ở không nhà
Sống không đất
Tù không tội
Chết không mồ” [7]
-Hành trình nhân quyền không phải là làm những chuyện ‘dao to búa lớn’, hoặc toan cướp chính quyền nhưng bảo vệ nhân quyền chính là làm những việc nhỏ nhất và rất bé nhỏ nhưng là sự đấu tranh đến kỳ cùng cho chân lý, cho mục tiêu chính đáng mà người ta cần phải đạt tới, đến hiệu quả cuối cùng hầu mang lại hạnh phúc cho đồng loại.
Nguyễn Quang
 
Chú thích:
[2] GV Trường Nguyễn Bá Tòng, Gia Định.
[3] Những địa chỉ email bị thâm nhập:
[4]. Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 1. NXBCTQG Hà Nội 1995, tr.5 và tr.10
[5] http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_Marathon
[6] Lời phát biểu của Ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí Thư mới đây.
[7] Lời của chính Đức Tăng Thống.
[8] Kinh nghiệm bầu cử dưới chế độ CS qua bài viết của GS Nguyễn Liệu:
Đáng lẽ tới thời đại này, vào thế kỷ 21, còn sót ngoi ngóp 4 nước cộng sản, không nên, không cần thiết bày cái trò bầu cử quốc hội nữa.
 
Mỗi lần nghe nói Việt cộng tổ chức bầu quốc hội, một trò hề dân chúng quá nhàm chán, dân chúng cảm thấy khó chịu, muốn ói mửa vì công khai bị khinh khi, công khai bị bịp bợm,…tôi lại nhớ đến lần đầu tiên dân tộc Việt nam được đi bầu cử quốc hội năm 1946.
Trước 1946, dân Việt nam thật sự chỉ được đi bầu cấp xã tức bầu Lý trưởng, tức xã trưởng. Phép vua thua lệ làng, dưới thời phong kiến, dưới thời Pháp cai trị, tuy vậy, tại xã làng, dân chúng được tự do đi bầu, chánh quyền cấp trên như huyện tỉnh không xen vào, không chi phối cuộc bầu cử ở làng xã,  nên còn gọi là xã thôn tự trị.
Lý trưởng không có nhiệm kỳ, hoặc từ dịch, khi không muốn làm nữa, hoặc bãi dịch, khi làm điều gì sai trái bị dân tố cáo và quan trên không cho làm nữa. Và như vậy trong làng phải tổ chức bầu lý trưởng mới.
Ứng cử viên là người sinh quán tại làng đó, dân cư ngụ, tức sinh ở làng khác, không được ứng cử. Phải là người không có tiền án,  phải biết chữ, tức biết chữ Nho và chữ quốc ngữ đủ đọc được các  thông tri của thượng cấp, đủ đọc được các khế ruộng đất, và biết tính thuế để thu thuế ruộng đất và thuế thân. Mỗi công dân trên 18 tuổi phải đóng thuế gọi là thuế thân. Có được cái biên lai đóng thuế thân, tức là một công dân hợp pháp, được đi bầu lý trưởng.
Xét cho cùng cuộc bầu cử Lý trưởng là cuộc bầu cử có tính chất dân chủ và đứng đắn nhất trong lịch sử Việt Nam, dù nó chỉ có dưới thời phong kiến và thời thực dân Pháp.
Cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên của Việt Nam là một cuộc phổ thông đầu phiếu tổ chức vào tháng giêng năm 1946 dưới chánh quyền Hồ chí Minh.
Thoát được ách đô hộ của thực dân Pháp, thoát được ách Phát xít Nhật, Việt Nam hoàn toàn độc lập, toàn dân vui mừng tham gia cuộc bầu cử.
Tôi xin tường thuật lại cuộc bầu cử đầu tiên vào tháng giêng năm 1946, sau cuộc khởi nghĩa 4 tháng. Lúc đó tôi 13 tuổi. Trước ngày bầu cử cấp trên đưa xuống làng xã một danh sách dưới 100 người gọi là danh sách những người ứng cử vào quốc hội. Dân chúng được học tập về ý nghĩa và giá trị của cuộc bầu cử quốc hội. Đối với chúng tôi những người trong danh sách này hoàn toàn xa lạ, trừ ứng cử viên Võ đình Chư. Những người trong danh sách  chưa có dịp nổi danh, chưa có dịp báo chí nhắc đến trước đó. Tôi theo cha tôi đi cổ động cho nhân vật Võ đình Chư. Ông này người làng chánh quán cha tôi, có bằng thành chung (bằng trung học), làm nhân viên hoả xa, tham gia trong vụ phá hoại đường xe lửa để giết toàn quyền Đông Dương người Pháp. Việc bại lộ, Võ đình Chư bị tù khổ sai chung thân đày Côn Đảo. Một người có học chống Pháp, lãnh án chung thân đày Côn Đảo, thì thành tích lớn quá, ngon lành quá, so với thành tích gần 100 ứng cử viên không có nhân vật nào hơn Võ đình Chư. Tỉnh Quảng Ngãi của chúng tôi được lấy 6 người đại diện dân chúng, nên Võ đình Chư chắc chắn đắc cử.
Trước ngày bầu cử 10 ngày, dân chúng lại được tin phải đi bầu cho 6 người đầu danh sách là Phạm văn Đồng, Nguyễn Trí, Hà văn Tính, Nguyễn Duân, Lê hồng Long, Phạm quang Lược. Để cho dễ nhớ, dân chúng chỉ cần học thuộc tên : Đồng Trí Tính Duân Long Lược.
Ngày bầu cử vui như ngày hội vì dân chúng nô nức mừng được đi chọn người đại biểu thay mình lo việc nước việc quốc gia đại sự. Bầu bằng cách dân chúng đến trước bàn có thư ký ngồi ở đó,  nói cho họ biết : Đồng, Trí, Tính, Duân, Long, Lược. Người thư ký viết đủ tên họ 6 người vào miếng giấy, đưa cho người đi bầu đến thùng phỉếu bỏ vào, rồi vui vẻ ra về, lần đầu tiên nhờ cách mạng  được đi bỏ phiếu.
Sau đó dân trong tỉnh mới biết Đồng là đứa con hư, hoang đàng của ông  Cáo ( lời ông thừa Cáo, anh cả của ông Đồng ) ở Mộ đức, chống pháp bị tù côn đảo 3 năm, ông Trí ông Tín nhân viên lục lộ, ông Duân, nông dân cày ruộng, ông Long hốt thuốc Bắc ở chợ huyện, ông Lược thầy đồ già đói khổ…Sáu ông dân biểu này nhiệm kỳ mãi cho đến tắt thở, đến chết. Ông Đồng chính là thủ tưởng Phạm văn Đồng, có thành tích ký văn tự bán Trường Sa Hoàng Sa cho Tàu cộng, thủ tướng lâu năm nhất trong nhân loại, trên 50 năm làm thủ tướng.
Qua cuộc bầu cử năm 1946 đó, tại Quảng Ngãi, chúng tôi thấy rõ dân chúng bị phỉnh gạt, thấy rõ tính chất lưu manh của chánh quyền Hồ chí Minh. Thì ra 6 người trúng cử đó là 6 đảng viên cộng sản trung kiên nhất, được đảng cộng sản bí mật lén lút chọn lựa trước. Tổ chức bầu cử năm 1946 là một trò bịp dân chúng, bịp với các nước ngoài, rằng Hồ chí Minh theo con đường dân chủ các nước văn minh, chứ không phải tên tay sai của đệ Tam quốc tế cộng sản Liên bang sô viết Nga. Tội nghiệp cho Hồ chí Minh, đảng viên cộng sản quốc tế mà chối bỏ không có bản lĩnh nhận mình là cộng sản, chối leo lẻo rằng ông ta là người theo thuyết dân tộc, không dính dáng gì với thứ cộng sản mà dân chúng Việt Nam không ưa thích. Đảng của ông là đảng Lao động chứ không phải đảng cộng sản, bọn phản động nước ngoài vu cáo cho ông, chứ ông không bao giờ làm cộng sản. Tư cách bản lĩnh của lãnh tụ vĩ đại Hồ chí Minh là vậy đó.
Nhưng tại sao tôi bảo quốc hội của cộng sản là cơ quan xấu hổ nhất vô liêm sỉ nhất. ?
Xấu hổ, vì bảo đại diện cho dân, nhưng thật sự là chẳng những không đại diện, mà còn a tòng với bộ chánh trị làm hại dân chúng. Biết xấu hổ nhưng phải chường mặt ra để gặp dân chúng và nhiều lúc phải làm ngơ giả ngu giả điếc không nghe lời chưởi rủa của dân chúng. Từ ngày hoà bình, kinh tế phát triển, bộ chánh trị cướp bóc của dân chúng và trở thành những ông vua tham nhũng, trở thành những nhà tư bản đỏ không cần đầu tư không cần kinh doanh, quốc hội là nơi dung túng, hợp pháp hóa các việc phi pháp phi đạo đức của bộ chánh trị đảng cộng sản.
Thời gian gần đây, vụ Vinashin là một vụ ăn cướp tiền thuế của dân chúng tới 5 tỷ đô la Mỹ, bộ chánh trị cấm quốc hội bàn đến chuyện đó, và quốc hội ngoan ngoản vâng lời bộ chánh trị. Bộ chánh trị bảo không truy tố vụ cướp vĩ đại đó, quốc hội ngoan ngoản ngâm miệng vâng lời. Vụ khai quật bauxite là một vụ làm ăn lớn giữa bộ chánh trị với bọn Tàu cộng, toàn dân cực lực phản đối vì có thể gây hại đến tính mạng của người dân. Quốc hội câm như hến không dám hé môi phản đối . Bỉ ổi nhất là vụ hiếp dâm nữ sinh vị thành niên của tỉnh ủy Hà giang, hai nữ sinh nạn nhân bị toà án kết án. Một vụ hiếp dâm có tổ chức của đảng ủy xấu xa nhất trong lịch sử ăn chơi sa đọa của Việt nam. Quốc hội vẫn im hơi lặng tiếng, không dám có ý kiến.  Qua ba vụ điển hình kể trên đủ chứng tỏ những dân biểu quốc hội là những người vô liêm sỉ, những đám thiếu đạo đức, những bọn vô lương tâm, ngậm miệng vuốt mặt nuốt nhục kiếm ăn qua ngày.
Nếu đem so sánh các ngành trong guồng máy cai trị của cộng sản như quân đội, hành chánh, công an mật vụ, đảng ủy, và quốc hội, thì quốc hội là cơ quan thiếu liêm sỉ nhất bỉ ổi nhất vì là nơi giả dối nơi bịp bợm dân chúng và bịp bợm với nước ngoài.

Nguyễn Liệu
 


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét